Nổi dậy chống triều đình Ngô_Thiếu_Thành

Năm 797, Ngô Thiếu Thành cho đào kênh Đao Câu thay đổi dòng chảy của dòng Nhữ Thủy mà không cần lệnh của triều đình, bảo rằng nó có lợi cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Vua Đức Tông sai trung sứ đến ngăn chặn việc này, nhưng Thiếu Thành chẳng nghe. Nhà Vua lại cử đại thần Lư Quần đến khuyên ông ngừng việc này, Lư Quần thuyết phục Ngô Thiếu Thành rằng nếu ông cố kháng lệnh triều đình thì cấp dưới của ông sẽ nảy sinh ý khác dù ông là người tốt. Do đó Thiếu Thành dừng việc đào kênh[15].

Năm 798, do thiếu lương thực, Ngô Thiếu Thành dẫn quân cướp bóc Hoắc San thuộc Thọ châu[16] của trấn Hoài Nam[17], giết chết tướng triều đình là Tạ Tường và chiếm được Hoắc Sơn[15]. Sang năm 799, ông lại tấn công vào địa phận Đường châu (Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc) thuộc trấn Sơn Nam Đông Đạo, giết các tướng Trương Gia Duhoạn quan Thiệu Quốc Triều, bắt hơn 1000 người dân đem về Chương Nghĩa.

Cùng năm đó, tiết độ sứ Trần Hứa[18]Khúc Hoàn hoăng, Thiếu Thành nhân đó đưa quân tấn công huyện Lâm Dĩnh, tiết độ lưu hậu Thượng Quan đưa quân tới cứu, không thắng được. Ngô Thiếu Thành đã thông mưu với Sử Vi Thanh ở Lâm Dĩnh nên 3000 cứu binh đều bị bắt hết. Lại tiến quân bao vây Hứa châu vào tháng 9 năm đó nhưng bị đẩy lui. Ông còn liên minh với tiết độ sứ Tuyên Vũ Lưu Toàn Lượng tấn công để chia đôi lãnh thổ Trần Hứa cho nhau, nhưng sau đó Lưu Toàn Lượng qua đời, tiết độ sứ kế nhiệm là Hàn Hoằng từ chối hiệp quân mà còn giúp quân chống lại Ngô Thiếu Thành[15]. Tại Trường An, vua Đức Tông hạ chiếu tước hết quan tước của Ngô Thiếu Thành và điều quân các trấn xung quanh cùng tấn công Chương Nghĩa. Sau đó, Hàn Hoằng cùng tiết độ sứ Sơn Nam Đông Đạo Vu Ý, tiết độ sứ An Hoàng[19] Y Thận cùng thứ sử Vương Tông cùng tấn công Ngô Thiếu Thành, ban đầu thắng được một số trận.

Tuy nhiên quân đội triều đình thiếu sự phối hợp với nhau nên nhanh chóng mất phương hướng. Cuối năm 799, quan quân thất bại một trận lớn ở Tiểu Ân Thủy[20], bỏ doanh trại rút lui, Ngô Thiếu Thành nhân đó lấy hết lương thực của quân đội triều đình tích trữ ở đây. Đầu năm 800, quân đội các trấn Thành Đức, Nghĩa Vũ[21] và Hà Dương[22] được cử tới hỗ trợ triều đình cũng bị Ngô Thiếu Thành đánh bại. Vua Đức Tông cử tiết độ sứ Hạ châu[23] đến làm chỉ huy ở Trần Hứa. Tháng 5 ÂL năm đó, Hàn Toàn Nghĩa cùng các tướng Hoài Tây Ngô Tú, Ngô Thiếu Dương giao chiến và bị thất bại. Tháng 7 ÂL, quân của Toàn Nghĩa bao vây Ngũ Lâu hành doanh, bị quân của Thiếu Thành tập kích đánh bại. Toàn Nghĩa cùng Đô giám quân sử Cổ Tú Anh, Cổ Quốc Lương nhân đêm tối bỏ trốn. Thiếu Thành lại đưa quân tiến công, quân của Hàn Toàn Nghĩa lui về Trần châu. Biện châu, Hà Dương... quân các nơi về bổn đạo, tướng Trần Hứa Mạnh Nguyên Dương cùng binh Thần Sách lưu quân ở bên Tiểu Ân Thủy. Sau đó, Toàn Nghĩa giết được đô tướng các trấn hỗ trợ Chương Nghĩa là Chiêu Nghĩa, Hoạt châu, Hà Dương, Hà Trung, chỉnh đốn lại binh mã. Trước tình hình đó, Ngô Thiếu Thành rút quân về Thái châu vào mùa đông năm 800.

Đường Đức Tông lúc này chán ngán việc dụng binh, nên theo lời đề nghị của Vi Cao, dự định xá tội cho Ngô Thiếu Thành. Lúc này sứ giả từ Hoài Tây cũng tới triều đình dâng biểu trần tình, xin được tha thứ. Đức Tông hạ chiếu khôi phục toàn bộ quan tước cho Ngô Thiếu Thành[15]. Theo Tân Đường thư, Ngô Thiếu Thành tìm cách khích động người dân trong trấn chống lại triều đình bằng cách phao lên rằng triều đình hạ lệnh cho Hàn Toàn Nghĩa cướp bóc vùng Hoài Tây, bắt phụ nữ vào cung hầu hạ. Đồng thời ông cho làm nhiều văn tự bí ẩn có nội dung nói xấu triều đình nhà Đường[24].